Trang thơ Lý Thừa Nghiệp
Tuesday, November 19, 2024
MẤY HÀNG NGHIÊNG
Thơ
tôi viết mấy hàng nghiêng
Dăm
hàng tịch mịch giữa miền hư không
Bồng
bềnh nắng ở trên sông
Sông
trôi về biển bỏ dòng nắng tan
Lệ
tôi rớt xuống hai hàng
Mang
theo dục vọng chảy tràn sắc thân.
*
Thơ
tôi vẽ ngọn Phong-thần
Theo
người lên núi tìm vầng trăng xưa
Khi
về trời tạnh cơn mưa
Vườn
tôi đất cát vắng thưa tiếng người
Đứng
ngồi bóng tạc mồ côi
Ngó
quanh quất thấy hình tôi nhạt dần.
MỘT NẮM SẮC KHÔNG
Hốt
lên một mắm đất mềm
Thấy
người thiên cổ bên thềm gió rong
Hốt
lên một mắm sắc không
Linh
minh nhân ảnh bụi đong đêm ngày
Miên
trường từng cuộc tỉnh say
Từng
hơi thở nhẹ rót ngoài hiên mây.
CON TRÂU
Con
trâu lội đã vô bờ
Hàng
hàng lau sậy đương chờ nước lên
Chim
trời cá nước mông mênh
Tiều
phu ngẫu hứng về bên cánh đồng
Cây
bần cây ổi trổ bông
Con
trâu đứng ngó chín dòng phù sa.
Lý Thừa Nghiệp
KHÚC BI HOA
Thì cứ rót vòng quanh màu trà đậm
Chuyện muôn đời tiếng sấm nổ bâng quơ
Em có thấy đất trời kia thăm thẳm
Giữa đôi bờ nhật nguyệt cháy vu vơ.
*
Cây phượng vĩ già nua màu son nhạt
Người qua sông mưa nắng cũng qua sông
Trời hôm đó đỏ một màu nắng lạ
Những con chim không hót buổi theo chồng.
*
Cứ thong thả mình về chơi Đà lạt
Bốn mùa mây trắng hồ xuân hương
Mình sẽ lên đồi nghe gió hát
Cười với ngàn thông một điệu buồn.
*
Bảo lộc Bảo lộc đường lên dốc
Đổ xuống đồi xanh những liếp trà
Mang mang phiêu hốt mưa ngang dọc
Nghe rền trong đá khúc bi hoa.
Lý Thừa Nghiệp
Saturday, November 16, 2024
ĐẤT THẢN NHIÊN
Đất thản
nhiên và núi thản nhiên
Tâm người
khẽ động tận tam thiên
Hoa khai tự
thuở ngàn thu trước
Hạt thóc
xanh nguyên mộng thánh hiền.
*
Vô lượng thọ
hề! vô lượng tâm
Một màu
trăng sáng cả sơn lâm
Hoàng oanh
về đậu cành thiên trúc
Nhả xuống
ngàn dâu khúc nhạc trầm.
*
Có phải mùa
xuân nên mưa hoa
Đồi nương
vang mãi tiếng Di Đà
Rừng xanh
như thể từ muôn kiếp
Chày kình
từng nhịp, tát bà ha.
*
Bạn lữ ta
hề! mây thanh lương
Trời trong
nên êm ả lạ thường
Những con
mắt ngó chừng như hỏi
Một đường
son đỏ, một đường hương.
*
Những tầng
mây trắng, những bàn tay
Ba ngàn thế
giới ở ngang mày
Chia nhau
thọ mạng ngàn lao nhọc
Vạn pháp mờ
theo cánh én bay.
*
Từng chiếc
bè lau trôi mênh mang
Trường giang
lất phất mộng kê vàng
Sông xanh
ngăn ngắt như châu ngọc
Cho ánh trăng
tràn vô lượng quang.
Lý Thừa Nghiệp
VƯỜN NHO CHÍN
Mười năm vườn nho còn chín đỏ
Ta ngồi đây như thể tự muôn đời
Như thể gió mưa và sâu bọ
Muôn đời ai rót cứ đầy vơi.
*
Giang hồ theo gió không về nữa
Cố thổ mờ theo con mắt cay
Sầu xưa lay lắt như men rượu
Như người năm cũ như mây bay.
*
Thả chiếc bè trôi cùng mưa lũ
Núi rừng nhan sắc bỗng mù sương
Nhớ gì lũ dế reo mùa hạ
Cửa tùng ta nhớ một làn hương.
*
Bình minh dát ngọc bồ đề tỏa
Tự đất tự tâm tự mây ngàn
Mang mang vạn pháp cùng an tọa
Đất trời đương đúc một lò tâm.
Lý Thừa Nghiệp
Friday, November 15, 2024
BUỔI TRƯA ẤY
Buổi trưa ấy
đất trời thu nhỏ lại
Ở góc rừng
cây lá gió vi vu
Em áo trắng
phập phồng mây hoang dại
Ghé cuộc đời
đổi lấy mấy giờ vui.
*
Mây lơ lững
trên tâm người vô định
Những con
đường dài ngắn sẽ về đâu
Có một điều
chưa bao giờ toan tính
Khi ngủ yên
và mộng gởi phương nào.
*
Đổi lấy cả
tử sinh hề! vô tận
Lòng thênh
thang reo rắt tiếng diều bay
Khi ngó lại
những buồn vui quanh quẩn
Lần sau cùng
dốc một chén mê say.
*
Mai hay mốt
trên con đường xưa cũ
Chong mắt
tìm hạt bụi tiền thân
Ai biết được
ngàn năm đời du thủ
Những con
sâu cái kiến cũng phong trần.
Lý Thừa Nghiệp
ĐƯỜNG CHIM BAY NGÀY TRƯỚC
Em về
đây ngày mưa hay ngày nắng
Nhịp
cầu này mưa gió đã rêu phong
Xin
hãy nhớ đường chim bay ngày trước
Bên
rặng dừa biển nối biển mênh mông.
*
Mẹ sẽ
hát em nghe bài ca cổ tích
Thuở
vôi nồng têm đỏ lá trầu xanh
Khi
nắng hạ hay mưa dầm tí tách
Bên
hiên nhà hoa bí nở vàng sân.
*
Đất
sẽ hỏi vì sao người ly xứ
Những
mùa dưa chín đỏ đợi ai đây
Con
chim hót đã trầm trầm tư lự
Đã
biết buồn từ một buổi chia tay.
*
Em về
đây mùa xuân hay mùa hạ
Khu
vườn này cây cải sẽ ra hoa
Lệ sẽ
rơi vào tâm can thinh lặng
Tận
đáy lòng của kẻ đi xa.
*
Về
đây em và đong đưa nhịp võng
Gió
ru em ngủ giấc đầu đời
Bàn
tay Mẹ vỗ về từng cơn sóng
Bên
kia bờ trăng vẫn sáng vô tư.
Lý Thừa Nghiệp